Cái chết của Brian Epstein The_Beatles_tan_rã

Bài chi tiết: Brian Epstein

Với The Beatles, Brian Epstein có vai trò vô cùng đặc biệt. Ông là người ký hợp đồng thu âm đầu tiên cho ban nhạc, và cũng là người thực hiện hóa giấc mơ nổi tiếng toàn cầu của họ. Epstein là nhà quản lý của ban nhạc, và cách quản lý của ông đã giúp cho những ý tưởng và kế hoạch của nhóm luôn luôn được đảm bảo qua việc giảm bớt một cách tối đa những bất đồng. Tuy nhiên, vai trò của ông trở nên mờ nhạt hơn sau khi The Beatles quyết định dừng tour vào năm 1966 cho dù ông vẫn là người có ảnh hưởng rất lớn tới việc điều hòa các thành viên, và hơn cả, là quản lý chi tiêu. Khi Epstein qua đời vì sốc thuốc vào năm 1967, một khoảng trống lớn đã xuất hiện trong khối công việc khổng lồ của ban nhạc. Thủ lĩnh John Lennon chính là người thân thiết nhất với Epstein khi ông còn sống[10]. McCartney có lẽ là người hiểu vấn đề này và dần tự biến mình thành người đề xuất các dự án cho ban nhạc. Các thành viên còn lại thì ngày một bị chi phối bởi những định hướng, cả về âm nhạc lẫn chi tiêu, từ chính Paul[11]. Lennon sau này có nói rằng những nỗ lực của McCartney là để cứu vãn ban nhạc, nhưng anh vẫn luôn nghĩ rằng những cố gắng của Paul cũng chỉ là để chuẩn bị cho những vấn đề của sự nghiệp solo sau này[12].

Công ty Apple Corps mà ban nhạc thành lập dưới sự che chắn của Epstein vốn là một nơi để họ trốn thuế. Cái chết đột ngột của ông khiến cho tương lai công ty bỗng trở nên nguy ngập. Việc thiếu sự giám sát của Epstein cùng với sự ngờ nghệch của The Beatles trên thương trường đã dẫn tới hàng loạt những vấn đề hỗn loạn mà vì chúng, ban nhạc bắt đầu thu âm Album trắng với vô số những căng thẳng[1][13]. Vai trò quản lý của Epstein là không thể thay thế được và sự thiếu vắng một người thủ lĩnh đích thực ở hậu trường có lẽ là lý do chính cho sự tan rã của The Beatles[14].